Ngân hàng duy nhất có CASA quý 2/2022 tăng trưởng so với quý trước
MBB đạt 6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý 2/2022 (tăng 76% so với cùng kỳ), nhờ NIM cải thiện, thu nhập lãi cao và trích lập dự phòng giảm. Tuy nhiên, thu nhập từ phí lại kém khả quan, đến từ cả hoạt động chứng khoán và bảo hiểm. Về chất lượng tài sản, ngoài dư nợ Nhóm 2 đang tăng lên tại MCredit và cần được theo dõi, các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tài sản nhìn chung vẫn tương đối ổn định. Mặc dù vẫn còn những lo ngại về dư nợ cho vay lĩnh vực xây dựng và bất động sản, cũng như trái phiếu doanh nghiệp của MBB, nhưng những khoản nợ này có tài sản đảm bảo tương đối tốt tại thời điểm hiện tại và do đó, kỳ vọng ngân hàng này có thể kiểm soát được những rủi ro liên quan. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 và 2023 dự báo lần lượt đạt 22,3 nghìn tỷ đồng (tăng 35% so với cùng kỳ) và 26,6 nghìn tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ). Con số này có thể sẽ cao hơn nếu MBB được cấp hạn mức tín dụng bổ sung cao hơn các ngân hàng khác.
Giá mục tiêu 1 năm là 34.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tiềm năng tăng giá là 26,5%. MBB hiện tại vẫn khá khả quan để đầu tư và nắm giữ.
**KQKD quý 2/2022**
Phát hành trái phiếu trung hạn nhằm giảm áp lực huy động tiền gửi khách hàng. Từ đầu tháng 4, MBB đã phát hành trái phiếu trung và dài hạn với tổng giá trị là 10 nghìn tỷ đồng (tương ứng với 2% tổng tiền gửi), trong đó 82% là trái phiếu có kỳ hạn 3 năm và lãi suất khoảng 4%. Ngân hàng cũng phát hành 9,4 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi trong kỳ. Điều này giúp MBB không phải tăng lãi suất huy động trong tháng 4 và tháng 5 (như trường hợp của các ngân hàng khác), đồng thời vẫn duy trì tăng trưởng tiền gửi ở mức hợp lý, cụ thể tăng 6 nghìn tỷ đồng (hay tăng 1,6% so với quý trước). Chúng tôi nhận thấy trong 6 tháng đầu năm 2022, lãi suất huy động của MBB dành cho khách hàng tổ chức đã tăng 10\~20 bps so với đầu năm, trong khi các NHTM khác đã tăng 40\~100 bps so với đầu năm. Do lãi suất trái phiếu kỳ hạn 3 năm thấp hơn lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng nên chi phí huy động vốn vẫn được duy trì ở mức hợp lý. Trong quý 2 năm 2022, chi phí huy động vốn bình quân của MBB vẫn được giữ ở mức 2,54% (tăng 8 điểm cơ bản so với quý trước nhưng giảm 31 điểm cơ bản so với cùng kỳ). Trong quý 3/2022, chúng tôi kỳ vọng MBB sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu trung và dài hạn để giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 34% (từ mức 35,9% hiện tại).
CASA cải thiện so với quý trước do tiền gửi doanh nghiệp phục hồi. Mặc dù ngân hàng vẫn đang thu hút tốt khách hàng với 3 triệu khách hàng cá nhân mới trong nửa đầu năm 2022, nhưng CASA bán lẻ tại MBB đã giảm nhẹ so với quý trước. Tuy nhiên, CASA của khách hàng doanh nghiệp đã phục hồi 7% so với quý trước, giúp CASA toàn hàng cải thiện 71bps so với quý trước, lên mức 45,5%. Kết quả này đi ngược với xu hướng chung của toàn ngành, khi CASA tại các ngân hàng khác trong phạm vi nghiên cứu của chúng tôi đều giảm. Chúng tôi tin rằng sự sụt giảm CASA của ngành trong quý 2/2022 có thể được giải thích bởi hoạt động kinh tế tiếp tục phục hồi, khi đó khoản tiền nhàn rỗi trước đây sẽ được phân bổ lại cho mục đích sản xuất kinh doanh hoặc mua nhà. Trong hai năm trở lại đây, CASA bán lẻ của MBB dường như tăng lên là nhờ vào việc ngân hàng tích cực thu hút khách hàng mới, theo đó giá trị giao dịch tăng lên. Điều này có thể tiếp tục được duy trì trong 1-2 năm tới, vì ngân hàng vẫn đặt mục tiêu thu hút 2 triệu khách hàng mới mỗi năm. Tính đến cuối quý 2/2022, MBB có 16 triệu khách hàng cá nhân và đặt mục tiêu sẽ đạt 20\~25 triệu khách hàng trong vòng 5 năm tới. Chúng tôi tin rằng chất lượng khách hàng cũng như tần suất giao dịch (chứ không chỉ là giá trị giao dịch) của khách hàng là những yếu tố quan trọng hơn trong việc duy trì cơ sở CASA vững chắc trong dài hạn.