\
![](https://static.fireant.vn/Upload/20220828/images/kho-xang.jpg)
*Tăng lượng dự trữ xăng dầu quốc gia lên là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới luôn tiềm ẩn nhiều biến động. (Ảnh: Petrolimex)*
Theo báo cáo về quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương, lượng xăng dầu dự trữ quốc gia hiện nay khá thấp, chỉ tương đương 9 ngày nhập ròng và 6,5 ngày tiêu thụ. Trước thực trạng đã nêu, mới đây, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ thông qua đề án tăng dự trữ quốc gia cao gấp 4 lần mức hiện tại.
**Dự trữ xăng dầu quốc gia còn… “mỏng”**
Báo cáo về quản lý Nhà nước của Bộ Công thương mới đây cho thấy, từ năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp đầu mối cơ bản thực hiện đúng dự trữ lưu thông, đảm bảo đủ hàng cho hệ thống phân phối, thị trường nội địa, ngay cả khi nguồn cung trong nước gặp sự cố, nhà máy ngừng sản xuất như hồi đầu năm nay.
Tuy vậy, dự trữ xăng dầu quốc gia trong nước vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế, mức bình quân 5 năm qua khoảng hơn 370.000 m3 mỗi năm, số lượng này chỉ tương đương 9 ngày nhập khẩu ròng và 6,5 ngày tiêu thụ.
Theo tính toán, tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 gần 21 triệu m3, trong đó, nguồn cung trong nước đóng góp khoảng 14,4 triệu m3, còn lại là nhập khẩu.
Đáng nói, theo Bộ Công Thương, có nhiều thời điểm, dự trữ của doanh nghiệp chưa đủ 20 ngày theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu dẫn đến hiện trạng khi nhu cầu tăng đột biến, thị trường thấy xu hướng giá tăng cao, lượng hàng và chủng loại dự trữ lưu thông phân bổ cho địa bàn không đều, nên không cung ứng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ, khiến nguồn cung bị gián đoạn như thực tế các cây xăng treo biển hết hàng và dừng bán liên tiếp xảy ra tại một số thời điểm thời gian qua.
Dù có nhiều lý do được đưa ra, như doanh nghiệp phải tự bỏ chi phí, trong khi giá tăng cao nên chi phí dự trữ tăng, còn giá bán do Nhà nước kiểm soát lại gần như không gồm chi phí dự trữ, nên để đảm bảo hiệu quả, doanh nghiệp phải giảm tối đa hàng lưu kho. Thế nhưng, nếu hiện trạng này kéo dài sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
**Cần thiết phải sớm nâng mức dự trữ**
Thông tin với báo chí về hiện trạng đã nêu, chuyên gia kinh tế - Vũ Đình Ánh nhiều lần khẳng định, dự trữ chiến lược, dự trữ quốc gia đối với xăng dầu là điều vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh giá thế giới biến động tăng liên tục.
Theo ông Ánh, để dự trữ xăng dầu, phải đầu tư một cơ sở hạ tầng riêng, phải có hệ thống kho bãi đạt chuẩn bởi xăng dầu là loại hàng hóa cần bảo đảm an toàn trong lưu trữ chứ không thể hoàn toàn trông cậy vào các doanh nghiệp đầu mối. Việc dự trữ quốc gia nằm trong khu dự trữ thương mại của doanh nghiệp đầu mối là không phù hợp và cần tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại.
Còn theo, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Giá cả (Bộ Tài chính), an ninh năng lượng là vấn đề quan trọng được đặt lên hàng đầu, ngay cả quốc gia đã bảo đảm 100% nhu cầu năng lượng vẫn phải có kế hoạch dự trữ. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, dự trữ quốc gia đối với xăng dầu nhằm bảo đảm an ninh năng lượng là điều rất cần thiết.
Đặc biệt, trong quãng thời gian giá thế giới biến động liên tục, các nước có nguồn dự trữ chiến lược đã mạnh dạn mở kho dự trữ để hạ nhiệt giá bán trong nước, Việt Nam không có nguồn đủ để mở kho đã đành, lại phải loay hoay trong cơn biến động giá của thế giới, 10 ngày điều chỉnh một lần, khiến người tiêu dùng đôi khi bị “quay” theo như chong chóng.
“Tăng lượng dự trữ xăng dầu quốc gia lên là cần thiết, việc này nên được tiến hành từ từ. Bộ Công Thương đề xuất là đạt đủ 30 ngày từ nay đến năm 2025 thì ngay trong năm nay nên bắt đầu nâng dự trữ lên là vừa. Hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau là nên dự trữ bằng ngoại tệ hay bằng hiện vật là xăng dầu. Theo tôi, dự trữ hàng hóa để điều phối cung - cầu, tung ra nhằm can thiệp giá khi cần thiết, lúc nguồn cung đứt quãng, khan hiếm, tăng cao… thì dự trữ bằng nguồn xăng dầu mới đúng giá trị và ý nghĩa thực của nó”, ông Long đề xuất.
*Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đề xuất nâng lượng dự trữ xăng dầu quốc gia để đảm bảo an ninh năng lượng. Cụ thể, trong đề án xây dựng và đang lấy ý kiến các bộ, ngành, bộ này đề nghị nên nâng mức dự trữ xăng dầu lên khoảng 1 tháng (30 ngày) từ nay đến năm 2025, cao gấp 4 lần mức hiện tại. Giải pháp trước mắt chưa đủ kho thì thuê thêm kho của các doanh nghiệp và lộ trình tiếp theo sẽ xây dựng kho dự trữ riêng của Nhà nước.*
***[Gia Nguyên](https://diendandoanhnghiep.vn/som-giai-bai-toan-du-tru-xang-dau-229028.html)***