Thực tế việc đa dạng hóa danh mục đầu tư hợp lý giúp giảm thiểu rủi ro và đạt được những mục tiêu kỳ vọng lợi nhuận của nhà đầu tư dễ dàng hơn. Nhất là trong trường hợp nhà đầu tư có xu hướng nắm giữ cổ phiếu dài hạn. Tuy nhiên lợi ích giữa phân bổ tỷ trọng vào nhiều mã hay chỉ tập trung vào một vài cổ phiếu cũng tùy từng trường hợp, đều có ưu điểm và hạn chế khác nhau.
Điều quan trọng nhất là nhà đầu tư cần hiểu được khả năng chịu rủi ro của mình cũng như các kỳ vọng lợi nhuận của các mã cổ phiếu trong tương lai để lựa chọn cách phân bổ danh mục cho hợp lý nhất. Dưới đây xin đưa ra một số nguyên tắc quan trọng mà theo kinh nghiệm của chúng tôi, nhà đầu tư cần lưu ý:
## **1. Hãy luôn thực hiện tối ưu danh mục khi đa dạng hóa.**
Việc hiểu ngây thơ (naive diversification) rằng đa dạng hóa là việc phân bổ đều tiền vốn vào mỗi mã chứng khoán một ít, sẽ dẫn đến danh mục thiếu tối ưu. Video dưới đây xin giải thích và hướng dẫn đơn giản cách tối ưu đa dạng hóa cho danh mục đầu tư cổ phiếu:
> Xem chi tiết: [Hướng dẫn cách tối ưu đa dạng hóa danh mục đầu tư - YouTube](https://www.youtube.com/watch?v=A5KMbAzeIgs)
Tuy nhiên việc tối ưu hóa danh mục ở trên cũng có những hạn chế như:
* Sử dụng mối quan hệ dữ liệu lịch sử trong quá khứ, các mối quan hệ (correlation) của các mã cổ phiếu trong tương lai có thể thay đổi.
* Ảnh hưởng bởi mức kỳ vọng lợi nhuận
## **2. Xem xét đa dạng hóa danh mục đầu tư cổ phiếu với các tài sản cá nhân khác.**
Việc tối ưu phân bổ tỷ trọng của cổ phiếu thường có hiệu quả tốt trong dài hạn. Tuy nhiên trong ngắn hạn, đặc biệt trong trường hợp thị trường có những biến động lớn, dẫn đến hàng loạt các cổ phiếu giảm sâu. Lúc này mối tương quan tức thời giữa hầu hết các cổ phiếu trong danh mục đều dương, dẫn đến việc đa dạng hóa danh mục đầu tư trở nên kém hiệu quả.
Lúc này việc đa dạng hóa danh mục đầu tư cổ phiếu nên được xem xét tổng thể với các loại tài sản cá nhân khác như: bất động sản, trái phiếu, tiền gửi ngân hàng, kim loại quý…
Để đảm bảo việc cân bằng rủi ro và an toàn vốn của nhà đầu tư, nhất là đối với nhà đầu tư có mức chịu rủi ro thấp (người đã về hưu, không có thu nhập chủ động…)
## **3. Nếu không đa dạng hóa danh mục, cần xác định các TH rủi ro xấu nhất.**
Vì nếu xác định all-in vào một hoặc hai mã cổ phiếu nhà đầu tư cần xác định khả năng chịu đựng rủi ro của mình có thể mất một nửa hoặc hơn, bất kể chọn mã cổ phiếu tốt, công ty tăng trưởng nào đi nữa, thì:
*Tất cả cổ phiếu blue-chip trên sàn chứng khoán đều có thể giảm 30%-50% hoặc hơn trong một năm là chuyện bình thường. VNM, TCB, MSN, HPG… hay bất cứ cổ phiếu nào khác, đều đã từng tăng giảm nhiều lần như vậy. Trường hợp nếu nhà đầu tư sử dụng margin cao thì việc “cháy” tài khoản nếu không cắt lỗ kịp thời là chuyện thường xuyên xảy ra, dù có đầu tư blue-chip!*
Trong trường hợp xác định số tiền đầu tư chứng khoán như một khoản đầu tư mạo hiểm, mà không ảnh hưởng trọng yếu đến sức khỏe tài chính cá nhân. Thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể all-in vào một số ít mã, với kỳ vọng lợi nhuận cao.
## **4. Tại sao không bỏ tất cả trứng vào một giỏ để tập trung quản trị một giỏ cho tốt?**
Nghe có vẻ như cũng có lý, nhưng thực tế bản chất của việc đầu tư cổ phiếu là góp tiền nhờ người khác thực hiện đầu tư kinh doanh giúp chúng ta. Với tính chất của nhà đầu tư nhỏ, và đầu tư ở dạng đầu tư tài chính (nắm giữ cổ phần dưới 5% và không có quyền kiểm soát doanh nghiệp). Thì điều duy nhất chúng ta có thể làm để kiểm soát rủi ro đó là đa dạng hóa danh mục và… cắt lỗ.
Bởi vậy nếu nói đặt hết trứng vào một giỏ để quản trị cho tốt thì… hoàn toàn nhầm lẫn. Vì chúng ta không phải người trực tiếp giao giỏ trứng đó mà là ban lãnh đạo của công ty chúng ta đầu tư. Vậy nên ta hoàn toàn không phải là người kiểm soát cuộc chơi, hay thậm chí bị động, chậm thông tin, thiếu kinh nghiệm trong cuộc chơi này.
Vậy nên nếu bạn không còn cặp gà nào đẻ trứng cho ngày mai, thì vẫn nên số trứng đó cho nhiều shipper, đảm bảo ít nhất luôn có số trứng có thể bán được.
Phạm Quang Trường ·
Lê Đình Phúc ·