==> Đại dự án khí Lô B với vốn đầu tư cơ bản dự kiến 10 tỷ USD được kỳ vọng sẽ hồi sinh ngành dịch vụ Thăm dò và Khai thác (E&P) và đem lại sức sống mới cho cả ngành Dầu khí
* Từ năm 2016, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trở thành nhà điều hành chính thức của Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn. Chi nhánh của PVN - Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) là đơn vị đại diện nhà điều hành triển khai thực hiện dự án theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa các bên PVN, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), MOECO (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan).
* Dự án đã nhiều lần trễ hẹn bởi các nguyên nhân:\
Giá miệng giếng ở mức cao, giá chuyển đổi sang giá bán điện tương ứng trên 10 UScent/kWh;\
(2) Các dự án hạ nguồn cụm năng lượng Ô Môn (gồm nhà máy điện 2, 3, 4) chậm triển khai do gặp nhiều vướng mắc ở khâu đấu thầu và cơ chế sử dụng vốn vay ODA. Thời điểm hiện tại, giá LNG đã tăng mạnh lên mức 13 – 15 USD/mmBtu do đó việc triển khai dự án là để tạo sự chủ động cho nguồn khí trong nước là cần thiết. Vào tháng 5/2022 trong buổi làm việc giữa Tập đoàn Dầu khí PVN và chính quyền TP. Cần Thơ, thông tin cho biết chuỗi điện khí Lô B - Ô Môn dự kiến sẽ có Quyết định đầu tư cuối cùng vào tháng 7/2022, tạo tiền đề cho toàn chuỗi dự án Lô B - Ô Môn khởi công trong nửa cuối năm nay. Bên cạnh đó, nhà điều hành mỏ khí Lô B (Phú Quốc POC) cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở các gói thầu EPCI.
* Khâu hạ nguồn: Chính phủ ban hành Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài góp phần tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy điện Ô Môn III vào quý 4/2022 và đấu thầu EPC vào Q1/2023. Các dự án Ô Môn 2 và Ô Môn 4 cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị cho công tác tổ chức đấu thầu ngay trong năm nay. Dự kiến 3 nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào cuối 2025 (Ô Môn 4) và đầu năm 2026 để cùng tiến độ khai thác khí.
* Khâu trung nguồn: Đang có những chuyển biến rõ nét nhất trong 3 khâu. Đầu năm nay, PV GAS (GAS) công bố sẽ góp 51% vào dự án Đường ống dẫn khí với tổng mức đầu tư của dự án khoảng gần 29.000 tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao cũng đang được UBND Tỉnh Cần Thơ chú trọng và quyết liệt thực hiện để đảm bảo sẵn sàng triển khai dự án ngay trong tháng 7/2022.
* Dự án thượng nguồn: Nhà điều hành Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC) đã hoàn tất đánh giá kỹ thuật các gói thầu EPCI trong nước và quốc tế (thiết kế, mua sắm, gia công chế tạo, lắp đặt), chạy thử vận hành giàn xử lý trung tâm (CPP), các giàn khai thác ngoài khơi (WHP) và ống ngầm nội mỏ. Ngay sau khi có quyết định đầu tư dự kiến vào tháng 7/2022, PQPOC sẽ mở thầu thương mại với mục tiêu sẽ ký kết hợp đồng, triển khai EPCI từ cuối năm 2022, hoàn tất và đón dòng khí đầu tiên về bờ vào cuối năm 2025.
Nguyễn Thị Ngân Giang ·
Đặng Hoàng Anh ·