Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/8 vừa ký thành luật một gói chi tiêu trị giá 52 tỷ USD để thúc đẩy hoạt động sản xuất chip tại nước này. Đây được xem là một trong những đạo luật về công nghiệp táo bạo nhất của Mỹ trong nhiều thập kỷ, theo Nikkei Asia.
Việc thông qua Đạo luật Khoa học và CHIPS, với tổng số tiền được phân bổ là 280 tỷ USD, đánh dấu sự đồng thuận hiếm hoi của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ, khi các nghị sĩ thuộc cả hai đảng đều đánh giá luật này là cần thiết để giúp Mỹ cạnh trạnh kinh tế với Trung Quốc cũng như tăng cường an ninh quốc gia.
![Tổng thống Mỹ Joe Biden ký Đạo luật Khoa học và CHIPS cùng với Phó Tổng thống Kamala Harris và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo bên ngoài Nhà Trắng ngày 9/8](file-guid:8ced34f5-5e15-4e3b-9a8a-5c97a8c7cfee "image.png")
"Mỹ đã phát minh ra chất bán dẫn và luật này đưa chất bán dẫn trở về quê nhà”, ông Biden phát biểu. "Việc này là vì lợi ích kinh tế và lợi ích an ninh quốc gia Mỹ”.
Tầm quan trọng của luật này trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đã được ông Biden cùng nhiều chính trị gia khác nhiều lần nói đến. Ngoài các lợi ích kinh tế, họ cũng đề cập đến việc sản xuất con chip tiên tiến trong hệ thống vũ khí.
"Trung Quốc đang cố gắng đi trước chúng ta và cũng sản xuất con chip tinh vi ", ông Biden nói. "Không ngạc nhiên khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tích cực vận động các doanh nghiệp Mỹ chống lại đạo luật này”.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer cho rằng Đạo luật Khoa học và CHIPS sẽ hỗ trợ cho làn sóng tiến bộ khoa học và công nghiệp của Mỹ, tương tự như những gì nước này đạt được sau Thế chiến thứ hai.
“Nhiều kẻ hách dịch đang muốn chúng ta thua cuộc, hy vọng chúng ta tự dẫm vào chân mình và không thể thích nghi trong thế kỷ 21. Chúng ta sẽ không nhường vai trò dẫn dắt của mình trong thế này”, ông Schumer nói.
Theo Hiệp hội Ngành công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA), đến nay, tỷ trọng của Mỹ trong tổng sản lượng bán dẫn toàn cầu đã giảm từ 37% xuống còn 12%. Tổ chức này cho rằng 75% sản lượng ngành bán dẫn toàn cầu nằm ở châu Á.
Trở lại với đạo luật mới của Mỹ, trong số 52 tỷ USD dành cho ngành chip, 39 tỷ USD sẽ được phân bổ cho "các ưu đãi trực tiếp nhằm kích thích sản xuất” để thúc đẩy việc xây dựng và mở rộng các nhà máy sản xuất bán dẫn. Số tiền này sẽ được phân bổ trong 5 năm, với 19 tỷ USD được giải ngân trong năm nay và 5 tỷ USD mỗi năm tới năm 2026. Đạo luật này cũng dành 200 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu trong các lĩnh vực bao gồm trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử.
\
"Đạo luật này không chỉ về chip, mà còn về khoa học", ông Biden nói. "Chúng ta từng đứng số một trên thế giới về nghiên cứu và phát triển. Bây giờ chúng ta đứng thứ 9. Còn Trung Quốc đứng thứ 8 cách đây nhiều thập kỷ, giờ đây họ đứng thứ 2”.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, dù đạo luật trên đánh dấu sự đầu tư mang tính bước ngoặt của Chính phủ Mỹ với ngành chip trong nước, nhưng 52 tỷ USD là số tiền tương đối nhỏ đối với lĩnh vực vốn đòi hỏi đầu tư lớn này.
Để so sánh, Trung Quốc đã dành 150 tỷ USD cho ngành công nghiệp chip và xác định chất bán dẫn là ngành công nghiệp chủ chốt trong kế hoạch kinh tế 5 năm mới nhất của mình. Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, năm ngoái cho biết có kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD trong 3 năm để mở rộng năng lực sản xuất. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang nghiên cứu một đạo luật về sản xuất chip.
Nhưng theo nhà phân tích về bán dẫn Gaurav Gupta của Gartner, dù con số đầu tư này không lớn nhưng quan trọng là việc này cho thấy tín hiệu Mỹ đang hỗ trợ ngành công nghiệp chip.
“Việc Mỹ sẵn sàng hỗ trợ chính sách và xem trọng chất bán dẫn có ý nghĩa rất quan trọng. Tôi nghĩ đó là thông điệp chính ở đây. Nhưng để mang lại những tác động ý nghĩa, cần phải có những chính sách nhất quán hơn”, ông nói.
Trong Luật Khoa học và CHIPS, CHIPS là từ viết tắt của "Creating Helpful Incentives to Produce Semiconductors" (tạm dịch là: Tạo ra ưu đãi hữu ích để sản xuất chất bán dẫn). Đạo luật này được đề xuất vào tháng 6/2020, giữa lúc toàn cầu đang chìm trong cuộc khủng hoảng thiếu chip.
**Theo Đức Anh - VnEconomy**