Cụ thể, theo phương án được thông qua, OCB sẽ phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP) với tổng giá trị phát hành là 50 tỷ đồng.
Tỷ lệ phát hành là 0,365% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, với giá cổ phiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu mới phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động chịu hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành, sau mỗi năm chuyển nhượng 25%.
Mục đích phát hành là giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của cơ quan chức năng.
[![](https://kinhtechungkhoan.vn/stores/news_dataimages/2022/082022/25/09/b8e8e9569e957a1d0b97d281cc168153.jpg?rt=20220825094706)](https://fireant.vn/charts)
*Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB – Mã: OCB)*
Trước đó, OCB đã thông báo thông qua nghị quyết việc triển khai tăng vốn điều lệ năm 2022 thêm 4.127 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ của ngân hàng lên 17.884 tỷ đồng.
Ngân hàng sẽ phát hành 412,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tổng trị giá 4.127 tỷ đồng, tỷ lệ phát hành 30%. Thời gian thực hiện trong năm 2022 căn cứ theo sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nguồn vốn sử dụng được trích từ nguồn vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2021 đã được kiểm toán.
Việc tăng vốn điều lệ được thực hiện sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và phát hành 8,82 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (Ngân hàng Aozora – Nhật Bản), tăng vốn điều lệ thêm hơn 58,8 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, trong nửa đầu năm, OCB ghi nhận nhiều mảng kinh doanh cốt lõi có kết quả khả quan. Thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của ngân hàng, tăng 20,4% so với cùng kỳ mang về 3.372 tỷ đồng với tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tăng trưởng từ 3,7% vào cuối năm 2021 lên 3,76% tại thời điểm cuối tháng 6/2022.
Tăng trưởng thu nhập từ lãi của ngân hàng ở mức cao trong kỳ đạt được là nhờ nhu cầu tín dụng phục hồi khi nền kinh tế Việt Nam dần trở lại quỹ đạo bình thường sau đại dịch. Tính đến cuối tháng 6, tổng dư nợ tín dụng của OCB đạt 113.753 tỷ đồng, tăng gần 10% so với đầu năm, theo sát với hạn mức cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh công nghệ số và các mảng phi tín dụng, thu nhập từ mảng dịch vụ của OCB đạt 359 tỷ đồng tăng 2,4% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập mảng kinh doanh thẻ tăng gần 133%, thu nhập kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng gần 18%.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.739 tỷ đồng. Các tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) luôn đáp ứng theo quy định của Ngân hàng nhà nước.
Kết thúc quý II, tổng tài sản của OCB đạt 188.857 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số huy động thị trường 1 của ngân hàng đạt 123.698 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ.
Cùng với việc tập trung vào các sản phẩm cốt lõi ngân hàng cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường công tác kiểm soát chất lượng tín dụng, thu hồi xử lý nợ xấu.
Trong những năm gần đây, nhờ chính sách quản trị rủi ro tốt, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm. Tính đến cuối tháng 6/2022, con số này được kiểm soát ở mức 1%.
Bên cạnh đó, các khách hàng được cơ cấu lại của ngân hàng ghi nhận sự phục hồi tốt sau đại dịch. Số dư nợ gốc đã cơ cấu giảm hơn 30% trong 6 tháng đầu năm chỉ còn hơn 2.000 tỷ đồng, làm giảm áp lực lên trích lập dự phòng của ngân hàng.
**[Hoàng Hà](https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhieu-co-phieu-bi-dua-vao-danh-sach-khong-duoc-giao-dich-ky-quy-111448.html)**