**[\
![](https://static.fireant.vn/Upload/20220827/images/1.jpg)](https://fireant.vn/home)**
*Cầu Thủ Biên kết nối giữa TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: P.Tùng*
**\* Triển khai các dự án kết nối**
Đồng Nai và Bình Dương là 2 địa phương láng giềng trong vùng Đông Nam bộ. Ngoài phần ranh giới tiếp giáp trực tiếp trên đất liền, 2 địa phương cũng bị ngăn cắt bởi sông Đồng Nai. Chính vì vậy, nhiều năm qua, 2 địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng hệ thống các cầu đường bộ vượt sông Đồng Nai để tăng kết nối giao thông.
Tháng 5-2010, cầu Thủ Biên, cây cầu kết nối giữa TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai chính thức được khánh thành và thông xe. Cầu Thủ Biên là công trình do 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai làm chủ đầu tư. Công trình có chiều dài 511m, rộng 17m với tổng kinh phí đầu tư hơn 162 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 3-2007.
Cầu Thủ Biên là công trình giao thông trọng điểm, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong vùng. Đồng thời, đây cũng là một trong số các cây cầu được xây dựng trên tuyến đường vành đai 4-TP.HCM kết nối các tỉnh vùng Đông Nam bộ, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
***Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương về tiến độ thực hiện các dự án giao thông kết nối giữa 2 địa phương vào ngày 27-7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND.TP.Biên Hòa phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh Bình Dương nghiên cứu kết nối một số tuyến đường ở khu vực P.Hóa An, TP.Biên Hòa với TP.Dĩ An của tỉnh Bình Dương để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh.***
Ngày 27-12-2021, cầu Bạch Đằng 2, một cây cầu kết nối trực tiếp giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương do 2 địa phương phối hợp đầu tư cũng đã chính thức được khởi công xây dựng.
Cầu Bạch Đằng 2 được xây dựng tại xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Dự án cùng 2 đường dẫn có tổng chiều dài hơn 2,8km, trong đó cầu dài khoảng 410m, rộng 17m, 4 làn xe. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2023. Tổng mức đầu tư dự án hơn 420 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Nguồn vốn thực hiện dự án được chia theo tỷ lệ mỗi địa phương đóng 50% với phần cầu chính, các tỉnh tự đầu tư xây dựng phần đường dẫn trên địa bàn.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai cùng nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do điều kiện tự nhiên, 2 tỉnh ngăn cách bởi sông Đồng Nai, việc lưu thông qua lại hiện nay thông qua một số cây cầu trên các tuyến như cầu Đồng Nai (quốc lộ 1), cầu Hóa An (tuyến quốc lộ 1K), cầu Thủ Biên trên đường vành đai 4-TPHCM. Tuy nhiên, do vị trí các cầu cách nhau khá xa đã tạo sự ngăn cách về giao thông giữa 2 tỉnh, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, thương mại của vùng, nhất là kết nối giữa trung tâm TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Chính vì vậy, việc xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai nối liền TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai sẽ tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giúp kết nối giao thương các khu công nghiệp phía TX.Tân Uyên, H.Bắc Tân Uyên của tỉnh Bình Dương với TP.Biên Hòa, H.Vĩnh Cửu, H.Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai.
Đối với dự án này, cả 2 địa phương đều đang tập trung thực hiện các công việc liên quan để đảm bảo tiến độ dự án. Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Cao Tài cho biết, đối với công tác giải phóng mặt bằng của dự án, hiện nay địa phương đã có chứng thư thẩm định giá gửi Sở TN-MT để báo cáo Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh. Khi có phê duyệt giá đất cụ thể, H.Vĩnh Cửu sẽ thực hiện áp giá, hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ. “Nếu có giá đất cụ thể và đơn giá đền bù cây trồng sớm thì địa phương sẽ áp giá, ra phương án bồi thường, hỗ trợ trong tháng 9-2022”- ông Nguyễn Cao Tài cho biết.
**\* Bổ sung vào quy hoạch các cầu đường bộ kết nối 2 địa phương**
Để hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối 2 địa phương, vào ngày 27-7-2022 vừa qua, lãnh đạo 2 địa phương cũng đã có buổi làm việc về tiến độ thực hiện các dự án kết nối giao thông giữa 2 tỉnh.
Tại buổi làm việc này, ngoài các dự án đã và đang được triển khai, tỉnh Bình Dương đề nghị Đồng Nai thống nhất cập nhật quy hoạch cầu Hiếu Liêm vào quy hoạch của tỉnh Đồng Nai và thống nhất chủ trương đầu tư kết nối giữa H.Bắc Tân Uyên (Bình Dương) và H.Vĩnh Cửu (Đồng Nai).
Về phía tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng thống nhất với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, khu vực này cần xây dựng cầu kết nối giữa 2 địa phương và giao cho Sở GT-VT Đồng Nai phối hợp với Sở GT-VT Bình Dương nghiên cứu kỹ phương án, vị trí xây dựng và sớm báo cáo kết quả cho lãnh đạo 2 tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng thống nhất bổ sung quy hoạch cầu Thạnh Hội 2 theo đề xuất của Bình Dương. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị Sở GT-VT 2 tỉnh nghiên cứu thêm một cây cầu kết nối qua sông Đồng Nai, đoạn giữa cầu Hiếu Liêm và đường vành đai 4.
Trên thực tế, việc triển khai đầu tư, hoàn thiện hệ thống giao thông giữa Đồng Nai và Bình Dương có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả 2 địa phương. Trong vùng Đông Nam bộ, Đồng Nai và Bình Dương là 2 địa phương có nền công nghiệp rất phát triển. Do đó, nhu cầu giao lưu, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu giữa các doanh nghiệp trên địa bàn 2 tỉnh là rất lớn. Việc có được một mạng lưới giao thông kết nối đồng bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn của cả 2 địa phương phát triển.
Đối với Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 đang được triển khai xây dựng. Theo dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2025 với công suất khai thác khoảng 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Sân bay Long Thành giai đoạn 1 khi hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động không chỉ đóng vai trò lớn trong kết nối giao thông mà còn là “đòn bẩy” thúc đẩy hàng loạt ngành kinh tế phát triển, trong đó có ngành logistics.
Với “tầm vóc” của sân bay Long Thành, PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam cho rằng với sân bay Long Thành, Đồng Nai có thêm một điểm kết nối, giao thương hàng hóa lớn. Do đó, để phục vụ tốt cho việc khai thác sân bay Long Thành, Đồng Nai cũng cần tính toán đến quy mô nguồn hàng, trong đó có việc thu hút nguồn hàng từ các địa phương lân cận trong vùng, trong đó có tỉnh Bình Dương, một địa phương phát triển mạnh về công nghiệp.
Để có thể thu hút nguồn hàng được dự báo rất lớn trong lĩnh vực công nghiệp từ tỉnh Bình Dương, việc đầu tư, sớm hoàn thành các dự án giao thông kết nối giữa 2 địa phương là rất cần thiết.