**[\
![](https://vtv1.mediacdn.vn/thumb_w/650/2022/8/27/gia-dien-chau-au-16616018079431701521065.jpg)](https://fireant.vn/home)**
Tại Đức, giá điện trong hợp đồng cho năm tới đã lên đến 995 Euro (995 USD)/megawatt giờ (MWh).
Trong khi đó, giá điện trong hợp đồng tương đương ở Pháp đã vượt mức 1.100 Euro, tức tăng hơn gấp 10 lần so với năm 2021 ở cả hai nước.
Ở Anh, cơ quan quản lý năng lượng Ofgem cho biết sẽ tăng mức giá trên điện và khí đốt gần gấp 2 lần từ ngày 1/10 lên mức trung bình 3.549 Bảng Anh (4.197 USD) một năm.
Theo Ofgem, quyết định này là do sự gia tăng mạnh của giá khí đốt bán buôn trên toàn cầu sau khi các biện pháp phòng dịch COVID-19 được dỡ bỏ và sự hạn chế trong nguồn cung từ Nga.
Trước diễn biến trên, cùng ngày, Cộng hòa Czech, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), thông báo sẽ triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh về khủng hoảng năng lượng của EU "sớm nhất có thể".
Giá năng lượng tại châu Âu tăng mạnh khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu lục này. Nhiều ý kiến lo ngại rằng nguồn cung sẽ còn bị giảm mạnh hơn vào mùa đông trước tình hình căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan đến xung đột tại Ukraine.
20% lượng điện của châu Âu được sản xuất bằng các nhà máy chạy bằng khí đốt, vì vậy sự sụt giảm trong nguồn cung khí đốt sẽ khiến giá tăng lên.
Giá khí đốt tại châu Âu trong ngày 26/8 đã lên đến 341 Euro/MWh, gần bằng mức cao nhất từ trước đến nay 345 Euro ghi nhận hồi tháng 3.
Xung đột Nga - Ukraine không phải là nguyên nhân duy nhất khiến giá điện tăng cao tại Pháp. Việc nhiều lò phản ứng hạt nhân bị đóng cửa do vấn đề khấu hao cũng là một yếu tố dẫn đến tình hình hiện nay.
Đến ngày 25/8, chỉ 24 trong số 56 lò phản ứng do tập đoàn năng lượng EDF vận hành vẫn còn hoạt động. Hiện Pháp đã trở thành nước nhập khẩu điện, thay vì xuất khẩu như trước đây.
Giovanni Sgaravatti, nghiên cứu viên tại trung tâm tư vấn chiến lược Bruegl có trụ sở tại Brussels, Bỉ, nhận định: "Mùa đông sẽ là giai đoạn đầy khó khăn với tất cả các nước châu Âu. Giá sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể tăng nữa".
Các nước EU đã phân bổ 236 tỷ Euro từ tháng 9/2021 tới tháng 8/2022 để bảo vệ hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi cú sốc tăng giá, theo nghiên cứu của Bruegl. Giá năng lượng châu Âu bắt đầu tăng từ khi nhiều quốc gia dỡ hạn chế COVID-19 và tăng vọt sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Những tuần gần đây, các nước EU liên tục công bố nhiều chiến dịch tiết kiệm năng lượng, khuyến khích người dân giảm tiêu thụ điện trong mùa đông.
Ngày 24/8, Đức thông báo nhiệt độ trong văn phòng hành chính công mùa đông sẽ giới hạn ở mức 19oC, còn nước nóng sẽ bị tắt. Bể bơi tư nhân cũng bị cấm bật hệ thống sưởi từ tháng 9 và kéo dài trong 6 tháng.
Phần Lan khuyến khích người dân giảm nhiệt độ hệ thống sưởi, tắm nhanh, ít đi xông hơi. Các hộ gia đình Pháp được bảo vệ bởi giá trần năng lượng từ 31/12/2021 tới nay.