Theo các chuyên gia, USD Index có liên quan trực tiếp đến dòng tiền đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) tới các thị trường cận biên hoặc mới nổi, qua đó làm ảnh hưởng đến diễn biến tăng giảm của các chỉ số trên thị trường chứng khoán, trong đó có Việt Nam.
USD Index (hay DXY) là một chỉ số đo lường giá trị của đồng USD so với rổ tiền tệ bao gồm 6 đồng tiền khác. DXY có thể được xem là một chỉ số phản ánh sức mạnh của đồng USD, DXY có xu hướng tăng phản ánh đồng USD đang khỏe lên và ngược lại.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ số DXY có liên quan trực tiếp đến dòng tiền đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) tới các thị trường cận biên hoặc mới nổi, qua đó làm ảnh hưởng đến diễn biến tăng giảm của các chỉ số trên thị trường chứng khoán, trong đó có Việt Nam. Hãy cùng bài viết này nghiên cứu về mối quan hệ tương quan giữa DXY và các chỉ số thị trường này.
[![](https://kinhtechungkhoan.vn/stores/news_dataimages/2022/082022/27/12/in_article/24b467ba6ba6915dccab5ea1e72e82e5.jpg?rt=20220827125854)](https://fireant.vn/dashboard)
*Chỉ số DXY có liên quan trực tiếp đến dòng tiền đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài*
Quan sát diễn biến của chỉ số DXY từ 2012 đến hiện tại, chúng ta có thể thấy được DXY đã bắt đầu một xu hướng tăng dài hạn, đưa chỉ số lên mức 109 vào ngày 15/07/2022. Xu hướng tăng kéo dài trong 279 ngày từ 8/6/2021 đến 15/7/2022, với mức tăng 21% trước khi bắt đầu xu hướng giảm sau khi Mỹ công bố các số liệu về lạm phát và thị trường giảm kỳ vọng đối với việc tăng lãi suất của FED.
Trong giai đoạn tăng mạnh của DXY ở trên, NAV/unit của các ETF trong đó có “iShares MSCI Frontier & Select EM ETF” hay “MSCI FM”, chỉ số theo dõi kết quả đầu tư của quỹ ETF chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu tại các thị trường cận biên và một số cổ phiếu tại các thị trường mới nổi, đã đồng thời bước vào xu hướng giảm.
Từ quan sát trên, chúng tôi tiến hành kiểm tra mối tương quan giữa DXY và MSCI FM thông qua số liệu lịch sử từ tháng 9/2012 đến tháng 8/2022, từ Hình 1 chúng ta có thể thấy sự biến động tương đối đồng pha của 2 chỉ số. Đồng thời, kết quả tại Hình 2 cho thấy sự tương quan nghịch giữa 2 chỉ số khi 33% biến động của MSCI FM có thể được giải thích thông qua biến động của DXY.
**Diễn biến chỉ số DXY và MSCI FM (giai đoạn 2012 – 2022)**\
![](https://kinhtechungkhoan.vn/stores/news_dataimages/2022/082022/27/13/in_article/6611967d21e99ba7051a6ff01f916488.png?rt=20220827130144)
*Nguồn: TCBS tổng hợp*
**Tương quan giữa MSCI FM & DXY**
![](https://kinhtechungkhoan.vn/stores/news_dataimages/2022/082022/27/13/in_article/4fbafeb66724df253f43e3aeb421e459.png?rt=20220827130226)
*Nguồn: TCData, TCBS tổng hợp*
Nguyên nhân chính cho mối tương quan nghịch này có thể đến từ việc: Sự tăng giá của đồng USD thường làm giảm độ hấp dẫn của việc đầu tư vốn vào các thị trường mới nổi/cận biên. Qua đó, các nhà đầu tư sẽ không đầu tư hoặc rút vốn từ các quốc gia mới nổi/cận biên này để tái tập trung đầu tư vào USD và ngược lại.
**Kết luận:**
Kết quả thống kê chỉ ra rằng có tồn tại sự tương quan nghịch giữa chỉ số DXY và MSCI FM. Sự suy yếu của đồng USD kích thích dòng tiền đầu tư đổ vào các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam. Nhà đầu tư có thể theo dõi diễn biến của chỉ số DXY này để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp với diễn biến của nền kinh tế vĩ mô trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Từ giữa tháng 7/2022, chúng ta đã chứng kiến sự phục hồi của MSCI FM nói chung cũng như VN-Index nói riêng khi chỉ số DXY bước vào xu hướng giảm hay đồng USD trở nên suy yếu. Tuy nhiên, xu hướng này kéo dài trong bao lâu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong thời gian tới, xu hướng phục hồi của MSCI FM vẫn có thể được duy trì tích cực khi các yếu tố cơ bản dưới đây đang ủng hộ quan điểm suy yếu của đồng USD:
*(1) Lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt*
*(2) Chính sách thắt chặt tiền tệ của FED đạt đỉnh*
*(3) Dòng vốn rời Mỹ để tìm các cơ hội đầu tư tốt hơn*
Biên độ biến động của thị trường chứng khoán các quốc gia mới nổi & cận biên theo đồng USD có thể được thu hẹp phần nào với chính sách ổn định tỷ giá. Hiện tại, Việt Nam là một trong số các quốc gia theo đuổi chính sách này. Ổn định tỷ giá giúp Việt Nam kiềm chế nhập khẩu lạm phát cũng như giúp cho việc thu hút dòng vốn FDI được diễn ra thuận lợi hơn. Kết hợp với xu hướng suy yếu của chỉ số DXY như dự kiến, triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực.
**[Trang Nhi](https://kinhtechungkhoan.vn/du-bao-bien-dong-thi-truong-chung-khoan-qua-goc-nhin-dien-bien-usd-index-146100.html)**