**[\
![https://fireant.vn/home](https://static.fireant.vn/Upload/20220827/images/images2475919_9.jpg)](https://fireant.vn/home)**
*Ngành sản xuất gỗ lao đao vì vừa thiếu đơn hàng xuất khẩu, vừa đối mặt phòng vệ thương mại. Ảnh: V.Gia*
Theo Cục PVTM (Bộ Công thương), thống kê cho thấy, tính đến hết năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 208 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 161 vụ, chiếm tỷ lệ 77%.
**\* Nhiều mặt hàng bị “báo động đỏ”**
Trước nguy cơ ngày càng nhiều mặt hàng bị áp dụng điều tra thương mại, mới đây Bộ Công thương đã phát cảnh báo và theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và đưa ra danh sách cảnh báo 11 mặt hàng. Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: gỗ, cá tra, cá basa, tôm, da giày, dệt may, thép… mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như: mật ong, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá... cũng bị điều tra PVTM.
Đơn cử như gỗ là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn của Việt Nam nhưng cũng là ngành chịu nhiều tác động nhất... Hiện gỗ đang phải đối mặt với các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM từ Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, đặc biệt là Mỹ gần đây liên tục khởi xướng điều tra sản phẩm gỗ dán cứng, sản phẩm tủ gỗ, bàn trang điểm xuất từ Việt Nam. Thị trường Mỹ chiếm trên 60% kim ngạch xuất khẩu gỗ của nước ta nên biến động của thị trường này cũng ảnh hưởng đến ngành và các doanh nghiệp (DN).
DN chuyên sản xuất gỗ xuất khẩu, Giám đốc Công ty CP sản xuất - thương mại Minh Trí (H.Trảng Bom) Phạm Văn Sinh cho hay, chưa bao giờ ngành gỗ đối mặt với khó khăn kép như hiện nay. Ngay cả thời kỳ cao điểm của dịch bệnh Covid-19, DN xuất khẩu gỗ vẫn tiếp tục nhận được đơn hàng, chỉ có sản xuất bị ảnh hưởng vì áp dụng biện pháp chống dịch, còn hiện nay đơn hàng sụt giảm mạnh, nhiều DN phải cắt giảm, thậm chí tạm ngưng sản xuất. Bên cạnh đó, DN còn đối mặt với các vụ PVTM khiến khó chồng thêm khó.
Tương tự là đối với ngành ong mật, cuối năm 2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam và đã áp thuế chống bán phá giá mật ong Việt Nam hơn 400%. Sau đó, giảm xuống còn khoảng 60% nhưng cũng đã làm cho DN Việt không cạnh tranh được với sản phẩm của các nước khác.
Phó giám đốc Công ty CP Ong mật Đồng Nai Phan Trọng Nhân than thở rằng, quyết định nói trên đã làm cho DN đứng trước sự tồn vong. Bình thường mỗi năm xuất khẩu của công ty đạt từ 2,5-3 ngàn tấn mật ong, nhưng từ nay đến cuối năm, hàng xuất khẩu của công ty chỉ hy vọng được khoảng 500 tấn. Trong khi đó, tới 80% hàng của DN làm ra để phục vụ thị trường xuất khẩu. Những đơn vị khác trong ngành ong mật trên địa bàn tỉnh cũng lâm vào cảnh lao đao.
**\* Vẫn nhiều thách thức chờ đợi**
Đối mặt với ngày càng nhiều vụ điều tra thương mại, các DN cho hay họ vẫn không thể đoán định trước được điều gì. Sự thay đổi về chính sách của các thị trường nhập khẩu nhiều lúc khiến DN trở tay không kịp.
Ông Phan Trọng Nhân cho hay, 60% là mức thuế cao đối với ong mật nhưng đó chưa phải là quyết định cuối cùng. Cả các nhà nhập khẩu lẫn DN cung ứng như công ty ông đều không dám bung ra ký kết vì lo ngại sẽ bị thay đổi đột ngột. Ngoài ra, cứ mỗi năm phía Mỹ lại xem xét lại chính sách một lần. Trước áp lực của những nhà sản xuất, chế biến mật ong nội địa, số phận hàng xuất khẩu ong mật của Việt Nam vẫn bị treo lơ lửng.
Cùng quan điểm, Phó giám đốc Công ty CP Nhất Nam (TP. Biên Hòa) Phan Thị Thanh Trúc cho hay, các vụ việc đối với ngành gỗ từ năm 2021 vẫn chưa có những phán quyết cuối cùng từ cơ quan quản lý nhập khẩu. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát ở Âu, Mỹ tăng cao khiến cho nhu cầu từ các thị trường này bị suy giảm, DN xuất khẩu cũng chỉ còn biết chờ đợi vì các mối quan tâm của họ đang bị dồn vào vấn đề khác.
Đa phần DN Việt tham gia xuất khẩu hiểu biết về PVTM chưa sâu nên vẫn còn bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra, không hiểu rõ các công việc cần thực hiện. Khi vướng vào các vụ việc PVTM, DN xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với việc đảo lộn và thay đổi kế hoạch kinh doanh, đầu tư sản xuất, chiến lược mặt hàng để đáp ứng những thay đổi của thị trường xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, về lâu dài, DN trong nước cần đảm bảo tuân thủ triệt để các quy định của thị trường quốc tế, đặc biệt là về nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp của nguyên liệu. Để hỗ trợ DN, các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài cần cung cấp thông tin sớm hơn, đầy đủ hơn và có nhiều những cảnh báo, khuyến nghị cho các hiệp hội, DN có thể ứng phó kịp thời hơn.
***[Văn Gia](http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202208/doanh-nghiep-doi-mat-voi-phong-ve-thuong-mai-3132105/)***