Các mã cổ phiếu trong nhóm VN30 đều có phản ứng khác nhau khi tỷ giá USD/VND biến động mạnh. Trong đó, nhóm ngành tài chính, ngân hàng thường có biến động mạnh nhất, ngược lại là nhóm Công nghệ thông tin, Bán lẻ, Thực phẩm và đồ uống. Các phản ứng này sẽ thường có xu hướng điều chỉnh lại trong khoảng thời gian T+30 nếu tỷ giá ổn định trở lại. Tuy nhiên, nếu tỷ giá không thay đổi, tác động sẽ khó lường hơn.
Chứng khoán là kênh đầu tư có độ nhạy cảm cao với các yếu tố điều chỉnh mang tính vĩ mô. Một trong số những yếu tố đó là sự can thiệp của ngân hàng nhà nước trong việc thay đổi tỷ giá hối đoái. Khi tỷ giá điều chỉnh ở mức cao cũng đồng nghĩa với việc khả năng lạm phát có thể xảy ra. Đây cũng là một trong những dấu hiệu nhà đầu tư quan tâm khi đánh giá các danh mục cổ phiếu đang đầu tư. Vậy hãy cùng bài nghiên cứu này xem lại lịch sử của các thời điểm tỷ giá tăng mạnh đã tác động lên danh mục cổ phiếu VN30 trong suốt 10 năm qua như thế nào.
\
[![](https://kinhtechungkhoan.vn/stores/news_dataimages/2022/082022/27/17/in_article/8d9719d6534bc81071d3f5d8854ee43e.jpg?rt=20220827172843)](https://fireant.vn/dashboard)
*Hình minh họa*
**Theo dõi phản ứng của các cổ phiếu VN30 khi tỷ giá USD/VND tăng mạnh**
Chứng khoán là kênh đầu tư có độ nhạy cảm cao với các yếu tố điều chỉnh mang tính vĩ mô. Một trong số những yếu tố đó là sự can thiệp của ngân hàng nhà nước trong việc thay đổi tỷ giá hối đoái. Khi tỷ giá điều chỉnh ở mức cao cũng đồng nghĩa với việc khả năng lạm phát có thể xảy ra. Đây cũng là một trong những dấu hiệu nhà đầu tư quan tâm khi đánh giá các danh mục cổ phiếu đang đầu tư. Vậy hãy cùng bài nghiên cứu này xem lại lịch sử của các thời điểm tỷ giá tăng mạnh đã tác động lên danh mục cổ phiếu VN30 trong suốt 10 năm qua như thế nào.
Trước tiên, cùng điểm qua các thời điểm tỷ giá có xu hướng tăng mạnh:
Thống kê diễn biến tỷ giá USD/VND từ năm 2012 đến 2022
\
![](https://kinhtechungkhoan.vn/stores/news_dataimages/2022/082022/27/17/in_article/43a8b40cf39e13afb475cf7d4c3d922f.png?rt=20220827172922)
*Nguồn: FiinPro, TCBS*
Dữ liệu khoanh vùng phản ánh 3 giai đoạn đồng USD có xu hướng tăng mạnh trong năm, đồng thời xuất hiện các thời điểm tỷ giá USD/VND có mức tăng đột biến như sau:
\- Thời điểm 1: Năm 2015 tỷ giá USD/VND có mức tăng mạnh nhất trong tháng 8 từ 22.070 lên 22.390 tương đương \~1,45%.
\- Thời điểm 2: Năm 2018 tỷ giá USD/VND có mức tăng mạnh nhất trong tháng 7 từ 23.050 lên 23.215 tương đương \~0,72%.
\- Thời điểm 3: Năm 2022 tỷ giá USD/VND có mức tăng mạnh nhất trong tháng 5 từ 22.920 lên 23.045 tương đương \~ 0,55%.
Thời điểm bắt đầu của các đợt tăng sau đây được gọi là ngày T. Bước tiếp theo, thống kê diễn biến giá của các cổ phiếu trong danh mục VN30 phân loại theo ngành các phiên liên tiếp tính từ thời điểm thị trường bắt đầu có dấu hiệu thay đổi tỷ giá ở ngày T, T+3, T+6, T+9 và T+30. Kết quả được phản ánh dưới đây:
Diễn biến giá cổ phiếu phân loại theo ngành khi tỷ giá USD/VND tăng mạnh
\
![](https://kinhtechungkhoan.vn/stores/news_dataimages/2022/082022/27/17/in_article/6388c5bd64b2d0b0c6b1f9e6736d0266.png?rt=20220827172944)
*Nguồn: TCData, TCBS*
Theo thống kê trên có thể thấy, cổ phiếu thuộc nhóm ngành Ngân hàng, Dịch vụ tài chính là một trong số những nhóm cổ phiếu có phản ứng khá nhạy theo tỷ giá USD/VND nhất tại thời điểm T và T+3. Điều này phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư khi tỷ giá USD/VND tăng cao đột ngột đồng nghĩa với việc cung ngoại tệ trên thị trường bị giảm. Ngân hàng sẽ phải huy động vốn vay ngoại tệ từ bên ngoài với mức lãi suất cao đồng thời kèm theo rủi ro về đánh giá các tài sản nợ đang nắm giữ bằng ngoại tệ. Tuy nhiên giá của cổ phiếu ngân hàng và dịch vụ tài chính đa số chỉ bị phản ứng tiêu cực trong thời điểm dưới T+6 khi tỷ giá vẫn duy trì ở mức tăng cao.
Khi nắm giữ các cổ phiếu này từ T+9 trở đi thì tỷ suất đầu tư giảm thấp hơn, tức là giá cổ phiếu các ngành này đã phục hồi trở lại. Đặc biệt khi nắm giữ tới thời điểm T+30 khi tỷ giá USD/VND giảm mạnh thì đa số các ngành đều có xu hướng tăng trở lại, điều này được phản ánh qua 2 giai đoạn năm 2015 và 2018 khi tỷ giá tại T+30 giảm sâu lần lượt (-1,09%) và (-0,44%). Riêng đối với năm 2022 tại thời điểm T+30, tỷ giá vẫn duy trì ở mức cao (chỉ giảm -0,07%) và các cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm tài nguyên cơ bản trong xu hướng giảm sâu vì nỗi lo lạm phát kéo dài.
Bên cạnh những cổ phiếu bị sụt giảm về mặt giá trị ngay khi đồng USD tăng đột biến, một số cổ phiếu khác như: Công nghệ thông tin, Bán lẻ, Thực phẩm và đồ uống lại cho thấy những tín hiệu lạc quan hơn. Nguyên nhân chủ yếu do đây đều là các nhóm ngành mà hoạt động kinh doanh cơ bản ít chịu tác động từ việc thay đổi tỷ giá hơn so với các ngành khác.
Tóm lại, các mã cổ phiếu trong VN30 đều có phản ứng khác nhau khi tỷ giá USD/VND biến động mạnh. Trong đó, nhóm ngành tài chính, ngân hàng thường có biến động mạnh nhất, ngược lại là nhóm Công nghệ thông tin, Bán lẻ, Thực phẩm và đồ uống. Các phản ứng này sẽ thường có xu hướng điều chỉnh lại trong khoảng thời gian T+30 nếu tỷ giá ổn định trở lại. Tuy nhiên, nếu tỷ giá không thay đổi, tác động sẽ khó lường hơn.
Dựa vào bài nghiên cứu này, nhà đầu tư có thể lựa chọn hành động phù hợp với khẩu vị rủi ro cả mình. Trong trường hợp thị trường có tín hiệu không tốt từ thị trường ngoại hối, nhà đầu tư ngắn hạn nên cẩn trọng hơn với các cổ phiếu đang nắm giữ thuộc danh mục này, đặc biệt là nhóm ngành tài chính, ngân hàng.